Cứ đến mùa hè là nỗi lo về những căn bệnh truyền nhiễm có thể xảy đến với con yêu bất cứ lúc nào luôn làm cha mẹ lo lắng không yên. Điển hình cho những căn bệnh nguy hiểm hàng đầu cho mùa hè là bệnh viêm não Nhật Bản với tỉ lệ tử vong cao khi nhiễm bệnh.
Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều nhưng năm nào số lượng bệnh nhi mắc bệnh cũng không hề có dấu hiệu giảm. Vậy cha mẹ đã hiểu rõ về nguyên nhân mắc bệnh và ca cách phòng tránh bệnh đúng đắn để bảo vệ con em mình khỏi dịch bệnh nguy hiểm này chưa?
Những thông tin chi tiết vê bệnh trong bài viết sau đây sẽ giúp cha mẹ phần nào nâng cao được cảnh giác và cách thức phòng tránh bệnh hiệu quả.
1. Khái niệm về bệnh viêm não Nhật Bản?
Bệnh viêm não Nhật Bản được xác định là một thể nhiễm trùng cấp tính, những ảnh hưởng của nó gây ra tổn thương cho hệ thần kinh trung ương của người mắc và có thể để lại biến chứng lâu dài.
Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu là xuất hiện ở trẻ em dưới 15 tuổi và chiếm tỉ lệ cao nhất – tới 75% ở nhóm 2 – 6 tuối.
Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng dịp bùng phát cao nhất thường là vào mùa hè tầm từ tháng 5 – tháng 7 nên cha mẹ cần hết sức lưu ý phòng tránh bệnh trong khoảng thời gian này.
2. Nguyên nhân và cơ chế lây bệnh viêm não Nhật Bản
Lây truyền virut từ động vật
Bệnh viêm não Nhật bản được xác định là một dạng lây truyền virus mà gốc rễ của nguồn virus này là từ chim và lợn. Cơ chế lây lan hình thành khi muỗi hút máu của lợn mang virus và khi đốt sang người thì sẽ truyền virus viêm não Nhật bản sang người.
Tuy nhiên, lợn dù mang virus nhưng lại không bị nhiễm bệnh mà đóng vai trò như ổ chứa, còn muỗi là vật trung gian lây truyền bệnh cho người. Có khá nhiều loài muỗi có thể mang các virus gây bệnh này, tuy nhiên phổ biến nhất vẫn là Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui.
Đây là 2 loại muỗi truyền bệnh chủ yếu, chúng thường sống ở ruộng lúa nước và đặc biệt hoạt động rất mạnh vào lúc trời nhá nhem tối.
Hiện nay, dù bệnh viêm não Nhật bản được xác định là một bệnh lây truyền nhưng vẫn chỉ ở mức độ từ động vật sang người, chưa ghi nhận trường hợp lây truyền từ người sang người nào.
3. Dấu hiệu và biến chứng của bệnh
Dấu hiệu của bệnh
Mỗi giai đoạn của bệnh sẽ có những dấu hiệu nhận biết khác nhau.
- Giai đoạn ủ bệnh
Giai đoạn này kéo dài 5 – 14 ngày, thường thường thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 1 tuần.
- Giai đoạn khởi phát
Là giai đoạn bệnh bắt đầu bùng phát với nhiều biểu hiện như sốt cao đột ngột, thường sốt lên tới 39 – 40 độ. Thường sốt cao có thể kèm theo các biểu hiện như co giật, dẫn đến lờ đờ, hôn mê trong vòng từ 1 -3 ngày.
Ngoài ra, cũng có thể xuất hiện thêm các biểu hiện rét run, đau đầu, mệt lả, buồn nôn hay đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn ở trẻ.
Bệnh viêm não Nhật bản trong giai đoạn này thường tiến triển nặng rất nhanh. Chỉ trong 1 – 2 ngày đầu, bệnh nhi cũng đã có thể xuất hiện các biến chứng nhẹ như cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức.
- Giai đoạn toàn phát
Tới giai đoạn này thì virus đã xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương và hủy hoại các tế bào não gây ra những tổn thương khó phục hồi tại đây.
Các triệu chứng rõ rệt trong giai đoạn này có thể thấy như bệnh nhân vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản, khi xem mạch sẽ thấy mạch đập nhanh và yếu. Đây được xác định là các biểu hiện rối loạn hệ thần kinh thực vật.
Người bệnh trong giai đoạn này thường ở trong trạng thái hôn mê sâu và không có ý thức, các chức năng sống rối loạn. Đối với gia đoạn này nếu như bệnh nhân có thể vượt qua được thì khả năng chữa trị và hồi phục tổn thương cũng có phần khả thi hơn.
- Giai đoạn lui bệnh
Từ tuần thứ 2 trở đi, các triệu chứng bắt đầu thuyên giảm, không còn sốt cao nữa mà nhiệt độ goảm dần. Nhiệt độ có thể trở về mức bình thường sau ngày thứ 10 nếu không xuất hiện thêm bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhi sẽ dần dần hồi tỉnh và không còn các biểu hiện co cứng, nôn và đau đầu nữa.
Biến chứng của bệnh
Như đã nói, bệnh viêm màng não Nhật bản là căn bệnh rất nguy hiểm vì bệnh bùng phát rất nhanh, các tổn thương gây ra nặng nề và khó kiểm soát:
- Tử vong
Tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc bệnh chiếm 25 – 35 % tức là cứ 10 trẻ thì có đến 3 trẻ không qua khỏi. Tỷ lệ tử vong nhiều nhất xảy ra ở thời kỳ hôn mê trong 7 ngày đầu khi mà các tổn thương não gây rối loạn hô hấp, rối loạn tim mạch trầm trọng khiến bệnh nhi không thể chống đỡ được.
Tử vong xảy ra giai đoạn sau là do các biến chứng từ viêm phổi, suy kiệt… do đề kháng suy yếu trong suốt quá trình trị bệnh.
- Biến chứng khác
Bệnh nhân có thể mắc 1 hay nhiều biến chứng sớm của bệnh như: Viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm; viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng.
Các di chứng sớm nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải như bại hoặc liệt nửa người, mất khả năng ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, suy giảm trí nhớ, hay rối loạn tâm thần, vận động.
Bệnh nhân cũng có thể gặp phải các biến chứng, và di chứng muộn ở giai đoạn sau của bệnh như loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá, động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần…. Các biến chứng và di chứng này thường phát tác từ sau tuần thứ 2 của bệnh.
4. Phương pháp điều trị bệnh
Điều trị bằng Tây y
Đối với một căn bệnh diễn biến phức tạp như bệnh viêm não Nhật bản thì yêu cầu bắt buộc là trẻ phải được điều trị và theo dõi tại bệnh viện bới các bác sỹ chuyên khoa. Tuyệt đối không tự ý điều trị hay mua thuốc để uống tại nhà.
Nếu phát hiện thấy trẻ sốt cao và theo dõi sốt quá 12h hoặc thấy có các biểu hiện như nôn, cứng gáy, rối loạn ý thức… thì cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để thăm khám và chuẩn đoán bệnh.
Việc phát hiện bệnh càng sớm sẽ quyết định khả năng ngăn chăn bệnh và giảm thiểu tỉ lệ tử vong cũng như tỉ lệ di chứng cho trẻ.
Tại bệnh viện bệnh nhi sẽ được điều trị bằng thuốc để làm thuyên giảm các triệu chứng bộc phát của bệnh, qua đó hạn chế các ảnh hưởng lên não và cơ thể. Điều trị thông thường sẽ qua các bước: hạ nhiệt, chống co giật, chống suy hô hấp, chống phù não, cân bằng nước, điện giải, hỗ trợ dinh dưỡng và chống bội nhiễm cho bệnh nhân.
Điều trị bằng Đông y
Đối với điều trị bằng Đông y thì mỗi bài thuốc sẽ tương ứng với mỗi giai đoạn và các triệu chứng cụ thể khác nhau.
- Bài thuốc 1
Thành phần: Hạt muồng sống 16g, thạch cao 40g, chi tử 10g, cát căn 10g, ngân hoa 16g, cỏ nhọ nồi 10g, cam thảo nam 10g, sinh địa 10g.
Thực hiện: Sắc với nước dùng 1 thang 1 ngày, ngày uống 3 lần sau ăn khoảng 1 giờ.
Công dụng: Bài thuốc để trị bệnh giai đoạn khởi phát và toàn phát nhưng chưa có biến chứng.
- Bài thuốc 2
Thành phần: Thạch cao 40g, cam thảo đất 16g, sinh địa 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, kim ngân 16g, hoàng đằng 12g (có thể thêm chút chít 20g nếu có xuất hiện triệu chứng táo bón).
Thực hiện: Sắc uống 1 thang 1 ngày, ngày uống 3 lần sau ăn khoảng 1 giờ.
Công dụng: Bài thuốc để trị bệnh giai đoạn toàn phát có biến chứng.
- Bài thuốc 3
Thành phần: Sinh địa 12g, huyền sâm 12g, mạch môn 12g, a giao 10g, sa sâm 12g, kỷ tử 8g.
Thực hiện: Sắc uống 1 thang 1 ngày, ngày uống 3 lần sau ăn khoảng 1 giờ.
Công dụng: Bài thuốc để trị âm hư do bị ảnh hưởng bởi tình trạng sốt kéo dài.
- Bài thuốc 4
Thành phần: Mộc qua 8g, bạch thược 12g, đan sâm 8g, địa long 6g, tần giao 8g, sinh địa 12g, đương quy 8g.
Thực hiện: Sắc uống 1 thang 1 ngày, ngày uống 3 lần sau ăn khoảng 1 giờ.
Công dụng: Bài thuốc để trị các di chứng thần kinh ngoại biên mà bệnh gây ra như run rẩy, co quắp chân tay… Đối với các di chứng ở thể này cần kết hợp thêm các phương pháp trị liệu như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt để hỗ trợ việc phục hồi vận động.
5. Cách phòng bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ
Bệnh viêm não Nhật bản được xác định là căn bệnh do lây truyền từ đường muỗi đốt mang virus từ động vật sang người. không phải là bệnh do tự phát. Thế nên việc phòng bệnh tốt nhất cần bắt đầu từ việc ngăn chăn nguyên nhân lây bệnh.
Vệ sinh môi trường sống để phòng bệnh
Do đó, gia đình cần luôn giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng đãng, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống thường xuyên. Loại bỏ các ổ nước đọng, nước bẩn, đậy kín các nơi trữ nước. thực hiện diệt bọ, diệt muỗi, cung quăng, bọ gậy xung quanh nơi sinh sống để chúng không có điều kiện sinh sối trở thành nguồn lây bệnh.
Nếu gia đình có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm thì cần vệ sinh sạch sẽ thường xuyên.
Việc bỏ màn khi đi ngủ cũng cần được hết sức lưu ý và thực hiện đầy đủ vì đây là một trong những nguyên nhân gây bệnh phổ biến,
Cần thực hiện phun thuốc diệt muỗi trong những tháng phát dịch cao điểm.
Tiêm vacxin phòng bệnh viêm não Nhật bản
Đối với căn bệnh viêm não Nhật bản pử trẻ em thì biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất là tiêm vacxin phòng bệnh tại các cơ sở tiêm chủng tập trung. Độ tuổi thích hợp để tiêm phòng là khi trẻ được 1 tuổi. Việc tiêm phòng là yêu cầu bắt buộc và cần được thực hiện đúng theo lộ trình tiêm để đảm bảo phát huy tác dụng của vacxin phòng bệnh.
Trẻ sẽ được tiêm đủ 3 mũi, 2 mũi đầu cách nhau 1 -2 tuần, mũi thứ 3 tiêm nhắc lại sau 1 năm. Nếu không được tiêm nhắc lại hiệu lực của vacxin sẽ giảm thậm chí mất tác dụng, trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh viêm não Nhật bản như thường.
Cha mẹ cần hết sức lưu ý theo dõi lộ trình tiêm phòng của con để thực hiện đúng. Các lý do tạm hoãn tiêm chủng cần phải có ý kiến của bác sỹ. Thông thường các trường hợp không thể tiêm vacxin được chỉ định là khi trẻ sốt cao, mắc các bệnh về tim mạch, thận, gan giai đoạn cấp tính, trẻ mẫn cảm hoặc dị ứng với vacxin phòng bệnh.
Bệnh viêm não Nhật Bản không còn xa lạ gì với các bậc phụ huynh, hay những gia đình có trẻ nhỏ bởi nguy cơ mắc bệnh luôn cận kề. Hiểu biết đúng đắn về bệnh và có ý thức phòng, chữa bệnh sẽ giúp con em bạn tránh khỏi được một trong những căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong và di chứng suốt đời cao nhất hiện nay.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nên áp dụng khi không có sự hướng dẫn và sử dụng từ bác sĩ.