Một trong những nguyên nhân chính gây đau lưng là các bệnh lý của đĩa đệm, trong đó bệnh thoát vị đĩa đệm là phổ biến nhất. Đây là căn bệnh ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế và đời sống người bệnh cũng như toàn xã hội.
Cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp điều trị và cách phòng tránh qua bài viết sau đây để có cái nhìn chính xác nhất về căn bệnh này.
1. Bệnh thoát vị đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm nằm trong khoang gian đốt sống, bao gồm 3 thành phần: nhân nhầy, mâm sụn và vòng sợi. Nhân nhầy nằm giữa, vòng sợi và mâm sụn bọc bên ngoài, được cố định bằng dây chằng dọc trước và dọc sau.
Trong điều kiện bình thường, đĩa đệm có chức năng chịu áp lực của tất cả phần trên cơ thể dồn xuống, đáp ứng nhu cầu vận động cột sống, chịu lực ép khi cơ thể thay đổi tư thế khỏi trục sinh lí, tránh những tổn thương. Ngoài ra cơ chế giảm xóc giúp làm nhẹ chấn động theo trục cột sống do khả năng truyền lực trải đều và cân đối.
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy dịch chuyển ra khỏi ranh giới giải phẫu do đứt rách vòng sợi đĩa đệm. Hướng thoát vị có thể ra trước, ra sau, hoặc lệch bên, chèn ép vào rễ, dây thần kinh và tủy sống.
Hai vị trí thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và cột sống thắt lưng, cột sống lưng ít gặp. Là nguyên nhân gây nên các chứng đau lưng mạn tính hoặc đau thần kinh tọa (chiếm tỉ lệ 95% do nguyên nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng), đau vai gáy, hội chứng cố vai cánh tay.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Đĩa đệm có chức năng thích nghi với các hoạt động cơ học và chịu áp lực lớn, đôi khi là liên tục và thường xuyên. Mặt khác đĩa đệm là thành phần ít được nuôi dưỡng, chính vì vậy, tình trạng thoái hóa tổ chức sẽ sớm xảy ra, bắt đầu xuất hiện ở độ tuổi 20-40 tuổi.
Hiện tượng thoái hóa tổ chức bao gồm: Biến đổi tính chất vòng sợi, mâm sụn, thay đổi cấu trúc của nhân nhầy làm mất tính đàn hồi và giảm khả năng chịu lực, nhân đĩa mỏng đi, ranh giới giữa nhân đĩa và vòng sụn giảm.
Đây chính là yếu tố nguy cơ gây bệnh, có thế chỉ sau một động tác sai tư thế hay chấn thương sẽ làm đứt vòng sợi gây ra tình trạng thoát vị đĩa đệm.
Hoặc trong điều kiện chức năng đĩa đệm hoàn toàn bình thường, do chấn thương cột sống đột ngột với lực quá mạnh sẽ gây bệnh thoát vị đĩa đệm.
Hệ thống xung quanh đĩa đệm là tủy sống và rất nhiều rễ, nhánh dây thần kinh khác nhau. Khi đĩa đệm chèn ép vào, gây đau tại chỗ, co cứng cơ tại chỗ, hoặc đau lan, tê bì dọc theo đường đi của rễ thần kinh. Tình trạng này có thể diễn biến cấp hoặc mạn tính hoặc tái đi tái lại nhiều lần có những đợt cấp trên mạn.
3. Triệu chứng và những dấu hiệu nhận biết
Hai vị trí thường gặp nhất ở bệnh thoát vị đĩa đệm là thoát vị đĩa đệm cột sống cổ và cột sống thắt lưng, vì vậy chúng tôi sẽ đề cập đến triệu chứng của căn bệnh phổ biến này, giúp bạn dễ dàng nhận biết.
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
- Đau vùng cổ gáy, đau lan xuống vai, cánh tay và mu bàn tay đến các ngón tay. Có thể đau cấp tính sau chấn thương hoặc đau âm ỉ, đau tăng khi vận động cột sống cổ ( khi ngồi lâu, khi xoay trái, xoay phải, cúi gập đầu…), khi thay đổi thời tiết nhất là khi trời lạnh, ẩm thấp.
- Hạn chế vận động cột sống cổ, nhất là trong trường hợp đau cấp tính.
- Điểm đau cột sống (là vị trí các gai sau) khi ấn vào bệnh nhân đau.
- Co cứng cơ cạnh cột sống cổ.
- Rối loại cảm giác: tê bì, nóng rát hoặc có cảm giác như kiến bò ở vai, cánh tay và cẳng tay dọc đường đi của các dây thần kinh.
- Dấu hiệu bấm chuông: Ấn các điểm cạnh sống tương ứng với lỗ tiếp hợp bệnh nhân đau, đau lan xuống vai, cánh tay và bàn tay.
- Nghiệm pháp kéo giãn cổ: bệnh nhân giảm đau.
- Nghiêng đầu bệnh về bên đau, dùng tay ép đỉnh đầu, bệnh nhân đau tăng (nghiệm pháp Spurling).
- Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như tê bì, teo cơ hai tay, đau đầu, hoa mắt chóng mặt, giảm thị lực, ù tai, mệt mỏi…
Bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Đau vùng thắt lưng, có thể đau lan xuống mông, đùi và cẳng chân đến tận mu bàn chân và ngón chân. Mức độ đau tùy thuộc vào nguyên nhân gây thoát vị, mức độ chèn ép tủy và rễ thần kinh…
Nếu tổn thương rễ thần kinh L5, bệnh nhân đau lan xuống mông, mặt sau đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, đến mắt cá ngoài, đến mu chân rồi đến ngón cái.
Nếu tổn thương rễ S1, bệnh nhân đau lan xuống mặt sau mông đùi, mặt sau cẳng chân, xuống lòng bàn chân rồi đến ngón út. Đau âm ỉ, đau tăng khi vận động cột sống thắt lưng, khi ho, hắt hơi…
Cột sống thắt lưng giảm hoặc mất đường cong sinh lí, cơ cạnh sống co cứng.
Ấn các điểm đau cột sống (vị trí các gai sau) bệnh nhân đau. Điểm đau cạnh sống (cách đường giữa 2cm) bệnh nhân đau, đau lan xuống mông và chân theo vị trí đường đi của rễ thần kinh.
Ngoài ra, một số dấu hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm khác như: Giảm hoặc mất phản xạ 2 chân, teo cơ, mệt mỏi, ăn uống kém…
Trên đây là những triệu chứng lâm sàng của bệnh thoát vị đĩa đệm. Tuy nhiên để chẩn đoán chính xác, bạn cần đến các cơ sở y tế thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì mới có thể chẩn đoán xác định đồng thời biết được mức độ của bệnh và các tổn thương kèm theo.
4. Phương pháp điều trị
Y học hiện đại
Nguyên tắc điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm là nằm nghỉ tại giường, dùng thuốc, kéo dãn cột sống, vật lí trị liệu.
- Chụp cận lâm sàng
Chụp X-Quang thường quy: Đánh giá được tình trạng cột sống, nhất là trong các trường hợp thoát vị đĩa đệm do chấn thương. Đồng thời giúp chẩn đoán phân biệt với các bệnh lí cột sống khác.
Chụp cắt lớp (CT-Scanner): xác định được vị trí tổn thoát vị và các tổn thương liên quan.
Chụp cộng hưởng tử (MRI): đánh giá chính xác nhất vị trí, mức độ chèn ép và tổn thương phần mềm xung quanh.
Bệnh nhân nằm nghỉ tại giường, trên nệm cứng từ 5-7 ngày, nhất là trong giai đoạn cấp. Đây là cách tốt nhất cho điều trị.
Thuốc được sử dụng là giảm đau, chống viêm, giãn cơ. Thuốc giảm đau thường dùng nhất trong trường hợp đau nhẹ là Acetaminophen, những trường hợp đau nặng, kèm theo hội chứng rễ (đau dọc đường đi của dây thần kinh) có thể sử dụng thuốc giảm đau thần kinh như Lyrica, Tegretol, Elavil…
Thuốc chống viêm gồm nhóm non-steroid như Meloxicam, Diclofenac…, chống viêm steroid Solumedrol, Depersolon… dùng trong trường hợp nặng, cần chú ý các bệnh lí dạ dày khi sử dựng thuốc chống viêm. Thuốc giãn cơ như Mephenesin, Mydocal…
Vật lí trị liệu: Chiếu đèn hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung… kết hợp kéo dãn cột sống theo mức độ tăng dần, lộ trình 15-20 ngày.
Ngoài ra nếu điều trị nội khoa không hiệu quả, có thể sử dụng các phương pháp kết hợp như chọc hút đĩa đệm, tiêm nội đĩa đệm bằng Corticoid, điều trị bằng Laser, tiêm ngoài màng cứng. Chỉ định ngoại khoa được xem xét khi điều trị nội khoa và các phương pháp khác thất bại hoặc có dấu hiệu thần kinh nặng thêm.
Đông Y
Các phương pháp điều trị bệnh thoát vị đĩa đệm bằng Đông y hiện đang rất được ưa chuộng với đặc điểm an toàn và giảm đau hiệu quả.
- Với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Có thể sử dụng bài Quyên tý thang gồm các vị: Khương họat 8g; Phòng phong 8g; Xích thược 12g; Khương hoàng 12g; Đương quy 12g, Cam thảo 04g; Sinh Khương 08g; Hoàng kỳ 12g; Đại táo 08g.
- Với thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Nếu bạn đau từ vùng lưng, xuống mông đùi và hai chân, có thể sử dụng bài Độc hoạt tang kí sinh thang gồm các vị: Độc hoạt 08g; Phòng phong 08g; Tang kí sinh 12g; Đẳng sâm 08g; Phục linh 04g; Cam thảo 06g; Xuyên khung 08g; Đương quy 12g; Thục địa 08g; Bạch thược 12g; Tế tân 04g; Đỗ trọng 12g; Tần giao 12g; Ngưu tất 08g; Quế tâm 04g.
Nam y
Bên cạnh đó, tùy theo nguyên nhân và thể trạng người bệnh mà có thể gia giảm các vị thuốc khác nhau hoặc dùng kết hợp một số vị thuốc nam có tác dụng giảm đau, chống viêm, hoạt huyết như: Dây đau xương, lá lốt, cây mã đề, tam thất…
Ngoài ra các thủ thuật châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, khí công dưỡng sinh cũng có tác dụng điều trị hiệu quả nhất là giảm đau, giãn cơ.
5. Cách phòng tránh bệnh thoát vị đĩa đệm
Để phòng tránh bệnh thoát vị đĩa đệm cần ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và rèn luyện cơ thể khỏe mạnh đặc biệt là một cột sống vững chãi, vì vậy cần phải có thói quen giữ gìn tư thế cột sống đúng trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Đối với học sinh, người lao động trí óc, cần ngồi đúng tư thế, khoảng 1-1,5 giờ đứng dậy đi lại và tập một số động tác thể dục có lợi. Vừa có tác dụng tốt với lưng, vừa giúp cho tinh thần sảng khoái làm việc hiệu quả hơn.
Với những người lao động chân tay, tránh mang vác đồ quá nặng, lệch bên. Khi nâng vật cần nâng từ từ, để cột sống thích nghi với lực trải đều, tránh tình trạng ép lực đột ngột gây đau cấp trong thoát vị đĩa đệm.
Khi đã bị bệnh thoát vị đĩa đệm, bạn nên thay đổi một số thói quen có ích cho sức khỏe như giảm cân, không uống rượu bia, thuốc lá, tránh căng thẳng, mệt mỏi… Kết hợp với việc tập các động tác nhẹ nhàng, tăng cường độ dẻo dai, nâng cao thể trạng.
Trên đây là những chia sẻ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh thoát vị đĩa đệm, một cănệ bnh đang rất phổ biến và trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ có thêm những kiến thức bổ ích và cách phòng tránh bệnh hiệu quả cho bản thân và gia đình.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nên áp dụng khi không có sự hướng dẫn và sử dụng từ bác sĩ