Theo một nghiên cứu chỉ ra, trong khoảng 100 000 người thì có khoảng 50 – 80 bệnh nhân bị hẹp van hai lá, và tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh gấp ba lần nam giới. Cho dù tỉ lệ người mắc căn bệnh này trên thế giới đã giảm, tuy nhiên tại nước ta, căn bệnh hẹp van hai lá vẫn còn phổ biến và tỉ lệ người bệnh tử vong khá cao. Do vậy, việc trang bị cho bản thân kiến thức về bệnh hẹp van hai lá là vô cùng cần thiết để đối phó với căn bệnh này cũng như để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ mắc bệnh.
Bệnh hẹp van hai lá là gì?
Bệnh hẹp van hai lá có thể hiểu đơn giản là sự hẹp của van tim. Van tim có vấn đề này sẽ không mở đúng cách và ngăn cản lưu lượng máu chảy vào buồng bơm chính của tim (tâm thất trái). Do vậy, để đưa cùng một lượng máu xuống tâm thất trái cần một áp lực lớn hơn bình thường. Bệnh hẹp van hai lá có thể dẫn đến nhiều vấn đề đối với sức khỏe, trong số đó bao gồm khiến người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi và bị hụt hơi.
Nếu không được điều trị, bệnh hẹp van hai lá có thể dẫn đến những biến chứng về tim cực kì nghiêm trọng.
Nguyên nhân
Phần lớn các trường hợp hẹp van hai lá bắt nguồn từ nguyên nhân sốt thấp khớp. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như:
Tổn thương xơ vữa
Mảng sùi trong viêm nội tâm mạc
Di chứng thấp tim
Bẩm sinh
Bệnh hệ thống có thể gây xơ hóa van hai lá như: viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, biến chứng của carcinoid ác tính,…
Triệu chứng thường gặp
Thông thường bệnh hẹp van hai lá không có quá nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, cho dù là không quá nguy hiểm, chúng vẫn có thể hoàn toàn trở nên tồi tệ hơn. Do vậy, nếu bạn mắc phải một trong những triệu chứng sau đây, bạn cần đi gặp bác sĩ ngay:
- Khó thở, đặc biệt khi bạn nằm xuống hoặc làm việc gắng sức
- Cảm thấy mệt mỏi, đặc biệt khi tham gia những hoạt động yêu cầu hoạt động thể chất gia tăng
- Bàn chân hoặc ngón chân bị sưng
- Tim đập nhanh, đánh trống ngực liên hồi
- Chóng mặt hoặc cảm giác muốn ngất
- Ho nặng, đôi khi trong đờm có máu
- Đau ngực
- Đau đầu dữ dội hoặc các triệu chứng khác của đột quỵ
Các triệu chứng của hẹp van hai lá có thể xuất hiện hoặc trở nên tồi tệ hơn bất cứ khi nào nhịp tim của bạn tăng lên, chẳng hạn như khi bạn tập thể dục. Nhịp tim nhanh có thể kết hợp với các triệu chứng trên hoặc chúng có thể được gây ra bởi quá trình mang thai hoặc khi cơ thể mắc phải các dấu hiệu bất thường khác ví dụ như nhiễm trùng.
Khi bị mắc bệnh hẹp van hai lá, áp suất trong tim tăng lên sau đó di chuyển trở lại phổi, dẫn đến tích tụ chất lỏng khiến người bệnh có cảm giác nghẹt thở và thở dốc.
Các triệu chứng của bệnh hẹp van hai lá thường xuất hiện phổ biến nhất ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi ở các nước phát triển. Tuy nhiên, chúng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào, thậm chí là ở cả trẻ nhỏ.
Các biện pháp hỗ trợ điều tri
Nếu bạn không may mắc phải căn bệnh hẹp van hai lá, để cải thiện tình trạng bệnh, các bác sĩ khuyên bạn nên thực hiện những thói quen sau đây:
- Chăm sóc răng miệng: Đánh răng hàng ngày và gặp nha sĩ thường xuyên.
- Hạn chế số lượng muối tiêu thụ: Muối có trong thức ăn và đồ uống có thể làm tăng áp lực lên tim bạn. Do vậy, hãy thay đổi thói quen chế biến đồ ăn bằng cách hạn chế cho thêm muối. Ngoài ra bạn cũng nên tránh ăn thức ăn có hàm lượng natri cao. Trước khi ăn bất cứ đồ ăn gì, hãy đọc kĩ nhãn thực phẩm và đảm bảo rằng nó chứa hàm lượng muối thấp.
- Duy trì trọng lượng cơ thể trong mức giới hạn: Hãy cố giữ trọng lượng của bạn trong phạm vi được bác sĩ đề nghị, điều này có nghĩa là bạn không nên quá gầy hoặc quá béo.
- Cắt giảm caffein: Chất caffein có thể khiến các nhịp tim trở nên bất thường hơn. Do vậy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bạn có nên uống các loại đồ uống có caffein hay không, chẳng hạn như là cà phê hoặc nước giải khát.
- Cắt giảm lượng cồn: Uống nhiều rượu có thể gây rối loạn nhịp tim và làm cho các triệu chứng trở nên xấu đi.
- Tập thể dục: Khoảng thời gian bạn dành để tập thể dục hàng ngày và cường độ tập luyện phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bạn. Tuy nhiên, việc tập thể dục, dù chỉ là tập thể dục với cường độ nhẹ và trong thời gian ngắn đều rất cần thiết cho sức khỏe tim mạch của bạn.
- Phụ nữ bị hẹp van hai lá cần thảo luận về vấn đề kế hoạch hóa gia đình với bác sĩ trước khi mang thai.
Việc mang thai sẽ khiến cho tim phải hoạt động nặng nề hơn. Việc một trái tim bị hẹp van hai lá có thể chịu đựng được áp lực khi mang thai hay không phụ thuộc vào mức độ hẹp của tim và khả năng tim bơm máu tốt như thế nào. Trong suốt thời kì mang thai và sau khi sinh, phụ nữ mắc chứng bệnh hẹp van hai lá cần được theo dõi bởi cả bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản khoa.
Biện pháp phòng tránh và ngăn ngừa
Để ngăn ngừa bệnh hẹp van hai lá, cách tốt nhất là ngăn ngừa nguyên nhân thông thường nhất của bệnh là sốt thấp khớp. Nếu phát hiện thấy các triệu chứng đau họng, hãy đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Nhiễm khuẩn cổ họng không được điều trị có thể phát triển thành sốt thấp khớp và có nguy cơ khiến bạn mắc phải căn bệnh hẹp van hai lá.