Bệnh liệt mặt hay còn gọi là liệt dây thần kinh số VII, bao gồm cả liệt VII ngoại vi và liệt VII trung ương, có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và đồng đều cả hai giới. Bệnh ngày càng trở nên phổ biến do người bệnh chủ quan và thiếu kiến thức phòng tránh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lí và thẩm mỹ khuôn mặt. Cùng tìm hiểu bài viết sau đây để có những hiểu biết chính xác và cách phòng tránh bệnh liệt mặt tốt nhất cho bản thân và gia đình.
Bệnh liệt mặt là gì?
Bệnh liệt mặt là giảm hoặc mất hoàn toàn vận động cơ vùng mặt do dây thần kinh số VII chi phối. Có thể liệt hoàn toàn ½ mặt (liệt VII ngoại biên) hoặc liệt ¼ mặt phía dưới (liệt VII trung ương).
Vậy cùng tìm hiểu qua về dây thần kinh số VII ngay sau đây nhé:
Giải phẫu dây thần kinh số VII
Dây thần kinh số VII là dây thần kinh hỗn hợp gồm có 4 nhân: nhân vận động, nhân cảm giác (nhân bó đơn độc), nhân thực vật (nhân lệ tỵ và nhân bọt trên).
Vừa có chức năng vận động, cảm giác, dinh dưỡng và phản xạ, dây VII vận động các cơ bám da mặt, chi phối vị giác 2/3 trước lưỡi, vận động tiết dịch tuyến lệ, tuyến nước bọt dưới hàm và dưới lưỡi cùng các tuyến niêm mạc mũi.
Đường đi của dây thần kinh số VII
Đường đi của dây VII chia làm 3 đoạn: đoạn trong sọ, đoạn trong xương đá và đoạn ngoài sọ.
- Đoạn trong sọ:
Từ rãnh hành-cầu, dây VII thoát ra khỏi não, đi vào xương đá qua lỗ tai trong.
- Đoạn trong xương đá:
Gồm 2 phần. Phần đi qua ống tai trong, các sợi thần kinh tiền đình ốc tai nằm ở đáy ống, sợi thần kinh vận động dây mặt nằm trên cùng, sợi cảm giác và tự chủ nằm giữa là thần kinh trung gian. Phần đi trong ống thần kinh mặt có 3 đoạn: đoạn mê đạo, đoạn nhĩ và đoạn chũm.
- Đoạn ngoài sọ:
Dây VII qua lỗ châm chũm, bắt chéo rồi chui vào tuyến mang tai. Chia làm hai nhánh thái dương – mặt và nhánh cổ – mặt, chi phối vận động cho cơ bám da mặt và cơ bám da cổ. Ở tuyến mang tai, dây VII và các nhánh nằm nông nhất, sâu hơn là tĩnh mạch dưới hàm và tĩnh mạch, động mạch cảnh ngoài.
Nguyên nhân
Một số nguyên nhân dẫn đến bệnh liệt mặt mà các bạn nên biết:
Bệnh liệt mặt ngoại vi
Theo Y học hiện đại, nguyên nhân gây bệnh liệt mặt ngoại vi có hai thuyết. Ở giai đoạn đầu, dây VII phù nề, sưng đỏ, bị chèn ép trong ống Fallop, khi gặp lạnh, mạch máu co lại, thiếu nuôi dưỡng, dây VII đáp ứng lại mà gây bệnh.
Đó là cách giải thích nguyên nhân theo thuyết về mạch máu. Theo thuyết virus, do virus gây bệnh vùng tai mũi họng như các bệnh viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, chấn thương vùng tai…gây tổn thương đến dây VII.
Bệnh liệt mặt trung ương
Do tổn một bên bán cầu não như nhũn não, chấn thương sọ não, xuất huyết não, u não, u nền sọ… Hoặc do biến chứng u vòm họng, viêm màng não do lao.
Triệu chứng
Khi bạn bắt gặp một số triệu chứng này chứng tỏ bạn đang có dấu hiệu của bệnh liệt mặt rồi.
Bệnh liệt mặt ngoại vi
- Mất cân xứng 2 bên mặt
Ở trạng thái tĩnh, mặt bị kéo lệch sang bên lành. Mất nếp nhăn trán, rãnh mũi má mờ hoặc mất. Nhân trung lệch sang bên lành, nét mặt vô cảm.
Ở trạng thái động, khi bệnh nhân thực hiện các động tác cau mày, nhe răng, huýt sáo, thổi lửa… sự mất cân xứng càng trở nên rõ rệt.
- Mắt nhắm không kín
Đây là biểu hiện của dấu hiệu Charles Bell. Mắt bên liệt nhắm không kín, tăng tiết nước mắt, giảm phản xạ.
Lưỡi giả lệch về bên liệt do cơ bên lành đẩy sang.
Ngoài ra bệnh nhân còn có các triệu chứng như tê bì một bên mặt, ăn uống rơi vãi hoặc đọng thức ăn. Một số trường hợp nguyên nhân do viêm nhiễm có thể sốt, đau nhức đầu, đau tai…
Bệnh liệt mặt trung ương
Khác với liệt VII ngoại vi, bệnh liệt mặt trung ương với tổn thương từ nhân trở lên, chỉ liệt ¼ dưới của mặt và không có dấu hiệu Charles Bell (mắt nhắm không kín). Thường kèm theo liệt nửa người.
Biến chứng của bệnh liệt mặt
Bệnh liệt mặt dù là liệt ngoại biên hay trung ương nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lí. Có thể kể tên một số biến chứng sau:
Viêm loét giác mạc
Tình trạng mắt nhắm không kín trong bệnh liệt mặt ngoại vi, kèm theo rối loại điều tiết tuyến lệ, giảm phản xạ nếu không bảo vệ mắt đúng cách, gió bụi bẩn dễ dàng gây nhiễm trùng.
Lâu dần gây viêm loét giác mạc. Vì vậy, trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần hạn chế để mắt tiếp xúc trực tiếp với gió bụi, đeo kính, vệ sinh mắt liên tục bằng dung dịch NaCl 0.9%, điều trị sớm khi có biến chứng viêm nhiễm.
Co giật cơ hoặc co cứng cơ nửa mặt
Nếu không được phát hiện, để lâu không điều trị có thể dẫn tới liệt hoàn toàn không hồi phục hoặc thoái hóa dây VII.
Ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Khuôn mặt là đại diện của cơ thể, luôn được chú trọng bảo vệ và chăm sóc nhiều nhất. Bệnh liệt mặt làm mặt bị biến dạng, mất khả năng thể hiện cảm xúc, làm người bệnh cảm thấy tự ti, mặc cảm với nhan sắc của mình. Gây ảnh hưởng lớn đến công việc và các hoạt động xã hội của họ.
Ảnh hưởng đến sinh hoạt
Nói khó, ăn uống rơi vãi… làm cho sinh hoạt người bệnh trở nên khó khăn. Đôi khi gây mất tự nhiên, mất lịch sự khi cư xử, giao tiếp trong đám đông, ngoài xã hội.
Phương pháp điều trị
Tùy theo thể bệnh (liệt trung ương hay ngoại vi), nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng kèm theo mà có những phương pháp và nguyên tắc điều trị khác nhau.
Tuy nhiên, bệnh liệt mặt được xếp vào hàng những bệnh điều trị hiệu quả nhất bằng Y học cổ truyền, bao gồm cả sử dụng Đông Y và thuốc Nam.
Đông Y
Theo Đông Y, bệnh liệt mặt thuộc chứng khẩu nhãn oa tà. Trên lâm sàng thường gặp ba thể là trúng phong hàn ở kinh lạc (nguyên nhân do lạnh), trúng phong nhiệt ở kinh lạc (nguyên nhân do viêm nhiễm), ứ huyết ở kinh lạc (do chấn thương). Tùy từng thể bệnh mà có phương và bài thuốc điều trị riêng.
- Thể trúng phong hàn ở kinh lạc
Bài thuốc: Với thể này, sử dụng phương khu phong, tán hàn, thông kinh lạc với bài thuốc tiêu biểu là đại tần giao thang gồm các vị như độc hoạt 12g, khương hoạt 12g, tần giao 12g, bạch chỉ 10g có tác dụng khu phong tán hàn.
Ngưu tất 12g, đương quy 12g, xuyên khung 12g, đẳng sâm 10g, bạch thược 10g tác dụng bổ huyết, hoạt huyết. Các vị Hoàng cầm 8g, phục linh 10g, bạch truật 10g tác dụng kiện tỳ thắng thấp. Cam thảo 06g điều hòa các vị thuốc.
Cách làm: Sắc ngày 01 thang, chia uống sáng chiều.
- Thể trúng phong nhiệt ở kinh lạc
Chuẩn bị: Sử dụng các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết. Có thể sử dụng bài thuốc nghiệm phương gồm các vị thanh nhiệt, giải độc như kim ngân hoa 12g, bồ công anh 10g, ké đầu ngựa 10g. Các vị hoạt huyết như đan sâm 12g, xuyên khung 10g, Ngưu tất 12g.
Cách làm: Sắc ngày 01 thang, chia uống sáng chiều.
- Thể huyết ứ ở kinh lạc
Chuẩn bị: Đây là thể liệt VII thường gặp do nguyên nhân sau ngã, chấn thương sọ não, xuất huyết não, phẫu thuật vùng tai.
Sử dụng phương hành khí hoạt huyết, tiêu ứ với bài tứ vật đào hồng thang gia giảm gồm các vị: Xuyên khung 12g, đương quy 12g, hồng hoa 08g, đào nhân 10g, đan sâm 12g, ngưu tất 12g, tô mộc 08g, uất kim 06g, chỉ xác 06g, hương phụ 06g, bạch thược 12g.
Cách làm: Sắc ngày 01thang uống sáng chiều.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, các phương pháp điều trị bằng y học cổ truyền như điện châm, cứu ngải và xoa bóp bấm huyệt, phục hồi chức năng vùng mặt cũng đem lại hiệu quả điều trị cao. Nhất là các trường hợp bệnh liệt mặt do lạnh, do huyết ứ.
Nam Y
Điều trị bệnh liệt mặt bằng thuốc nam đem lại hiệu quả chậm, nhưng đảm bảo an toàn và lành tính, đòi hỏi bệnh nhân phải kiên trì, không được bỏ cuộc giữa chừng:
- Với những nguyên nhân gây bệnh do chấn thương, bạn có thể sử dụng các vị thuốc có tác dụng hoạt huyết như ngưu tất nam, ích mẫu…
- Hoặc dùng các vị thanh nhiệt giải độc trong trường hợp do viêm nhiễm như dau riếp cá, bồ công anh, kim ngân…
- Bệnh liệt mặt do lạnh bạn có thể rang lá ngải cứu khô rồi chườm đủ ấm trên vùng nửa mặt bị bệnh.
Các biện pháp phòng tránh bệnh liệt mặt
Bệnh liệt mặt tùy theo nguyên nhân, đôi khi đến bất ngờ mà ta không tìm được lí do nó xuất hiện. Tuy nhiên, nếu biết được các phương pháp phòng tránh hợp lí, chính xác nhất, bạn sẽ không mắc bệnh.
Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng cách tập thể dục thể thao thường xuyên. Ăn uống đủ chất, đặc biệt là các loại rau xanh, hoa quả hoặc bổ sung vitamin C tổng hợp.
Giữ ấm cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nhất là khi trời lạnh. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với gió lạnh.
Để cơ thể thích nghi với thay đổi nhiệt độ, tránh đột ngột, trời lạnh khi ngủ dậy nên ngồi lại giường một lúc trước khi ra ngoài.
Vào mùa nóng, sử dụng quạt tránh để luồng gió trực tiếp vào mặt, vào sau gáy. Vào mùa lạnh, cần tắm nước nóng, ở trong phòng kín, hạn chế ra ngoài vào ban đêm dễ nhiễm lạnh.
Điều trị dứt điểm các bệnh về tai mũi hòng, do chấn thương. Đồng thời nên đi khám sức khỏe định kì để phát hiện và điều trị sớm các bệnh nguy hiểm gây bệnh liệt mặt như u não, viêm màng não, tai biến mạch máu não…
Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn một số thông tin cơ bản về bệnh liệt mặt. Giúp bạn phát hiện sớm, có hướng điều trị và phòng tránh tốt nhất. Tuy nhiên, bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo.
Khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn cần đến ngay bệnh viện hay các cơ sở y tế để thăm khám và có chẩn đoán chính xác nhất, để ngăn ngừa bệnh liệt mặt tái phát và phòng tránh các biến chứng nặng nề.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nên áp dụng khi không có sự hướng dẫn và sử dụng từ bác sĩ.