Lưng cong cứng, ưỡn ngược ra sau như chiếc đòn gánh, người cứng đơ, khó thở. Thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Đó chính là một trong những biểu hiện của bệnh uốn ván.
Bệnh uốn ván là bệnh gì?
Bệnh uốn ván hay còn gọi là chứng phong đòn gánh, là chứng bệnh làm căng cứng các bắp thịt trong cơ thể, có nguy cơ tử vong cao (chiếm khoảng 25 – 90%). Đặc biệt đối với trẻ sơ sinh, tỷ lệ này lên đến 95%.
Bệnh uốn ván xuất hiện ở tất cả mọi nơi trên thế giới, nhưng phổ biến nhất là ở vùng nông thôn, ở các nước chậm phát triển khi mà các chương trình tiêm chủng mở rộng gần như không có.
Hiện nay tại Việt Nam, tiêm phòng uốn ván là điều kiện bắt buộc đã được bộ Y tế khuyến cáo. Nhưng không vì thế mà tất cả mọi người đều tuân thủ và miễn nhiễm với căn bệnh này. Thực tế có rất nhiều trường hợp tử vong do nhiễm trùng uốn ván.
Nguyên nhân
Bệnh uốn ván là một loại bệnh nhiễm trùng cấp tính do độc tố của trực khuẩn uốn ván có tên là Clostridium tetani gây ra.
Một khi cơ thể bị tổn thương (như các vết rách trên da, vết chích da, viêm tai giữa, phẫu thuật, sinh đẻ, bỏng, sảy thai,..) tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn này sẽ rất dễ mắc bệnh uốn ván.
Tỷ lệ tử vong được cho là khá cao nếu người bệnh không có cách chữa trị nhanh chóng.
Thông thường, trực khuẩn Clostridium tetani phát triển trong điều kiện yếm khí rồi giải phóng ngoại độc tố vào máu, tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ. Khi đó các bó cơ của bệnh nhân bị căng cứng, đi kèm là các cơn co giật.
Nhìn chung, những người có nguy cơ mắc bệnh uốn ván cao thường là người làm việc ở nông trường, trang trại, dọn vệ sinh chuồng trại, cống rãnh, công nhân xây dựng các công trình,…
Biểu hiện
- Trung bình 7 ngày sau chấn thương, uốn ván sẽ khởi phát và có biểu hiện rất rõ rệt. Cụ thể như sau:
- Cơ lưỡi bắt đầu bị tê, cứng các cơ hàm, vai, cổ và lưng. Người bệnh có cảm giác khó ăn và khó nuốt.
- Căn cứng bụng và các gốc chi, lưng cong cứng và ưỡn ngược ra trước như tấm ván.
- Một số trường hợp xuất hiện các cơn co giật toàn thân cấp tính, khiến người bệnh tím tái, có thể dẫn đến ngừng thở và tử vong.
- Huyết áp tăng, nhịp tim loạn và đập nhanh, kèm theo đó là hiện tượng sốt, sốt cao ra nhiều mồ hôi.
- Trẻ sơ sinh khi bị uốn ván vẫn bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu sau sinh, nhưng từ ngày thứ 3 – 28 trẻ có biểu hiện không bú, bắt đầu co cứng cơ, co giật và hầu hết tử vong.
Uốn ván nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về tim mạch như hạ huyết áp, nhịp tim chậm, tim ngừng đập, viêm phổi, gãy xương, vỡ cơ,…
Cách ngăn ngừa bệnh uốn ván với vết thương nhỏ tại nhà
Các vết thương bị hở, các vết cắt sâu hoặc vết cắn động vật sẽ khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh uốn ván vô cùng cao. Do vậy, nếu vết thương sâu và bị nhiễm khuẩn, bạn cần đến gặp ngay bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Bác sĩ sẽ có thể cần phải làm sạch vết thương, kê toa kháng sinh và tiêm vắc xin tiêm phòng uốn ván. Nếu trước đó bạn đã được tiêm phòng uốn ván thì cơ thể bạn sẽ nhanh chóng tạo ra các kháng thể cần thiết để giúp bảo vệ cơ thể của bạn.
Nếu bạn có một vết thương nhỏ, những bước sau đây sẽ giúp bạn tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh uốn ván:
Giữ máu
Dùng áp lực trực tiếp lên vết thương để ngăn ngừa máu chảy ra.
Làm sạch vết thương
Rửa vết thương bằng nước máy sạch. Làm sạch các khu vực quanh vết thương bằng xà bông và khăn lau.
Sử dụng kháng sinh
Sau khi bạn làm sạch vết thương, hãy bôi một lớp kem kháng sinh hoặc thuốc mỡ mỏng, chẳng hạn như thuốc kháng sinh đa thành phần Neosporin và Polysporin.
Những chất kháng sinh này sẽ không làm cho vết thương lành nhanh hơn, nhưng chúng có thể làm giảm sự phát triển của vi khuẩn và nhiễm trùng.
Cần lưu ý rằng một số thành phần trong một số thuốc mỡ có thể gây phát ban nhẹ ở một số người. Do vậy nếu gặp phải triệu chứng này bạn cần ngưng sử dụng thuốc mỡ ngay lập tức.
Băng bó vết thương
Việc tiếp xúc với không khí thúc đẩy quá trình lành vết thương được diễn ra nhanh hơn. Tuy nhiên, việc băng bó vết thương sẽ giúp cho vết thương được sạch sẽ và ngăn ngừa sự xuất hiện của vi khuẩn có hại.
Thay băng thường xuyên
Thay băng mới ít nhất một lần mỗi ngày hoặc bất cứ khi nào băng vết thương bị ướt hoặc bẩn để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Nếu bạn bị dị ứng với chất kết dính được sử dụng trong hầu hết các loại băng vết thương, bạn có thể chuyển sang sử dụng băng keo không dính hoặc băng gạc vô trùng và băng giấy.
Bên cạnh việc xử lý vết thương thật tốt để tránh bị nhiễm trùng, bạn cũng nên đến trạm xá hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ và điều trị kịp thời. Tiêm phòng uốn ván cho bản thân và người thân trong gia đình cũng là một cách phòng ngừa bệnh uốn ván hiệu quả