Rối loạn kinh nguyệt là một trong những hiện tượng bất thường cảnh báo sức khỏe nữ giới đang gặp phải vấn đề nào đó. Vậy cụ thể rối loạn kinh nguyệt là gì?
Ngay trong bài viết sau chúng tôi xin chia sẻ những thông tin cơ bản về bệnh rối loạn kinh nguyệt: Khái niệm, nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa.
Hy vọng sẽ giúp các chị em hiểu rõ hơn về hiện tượng này và có biện pháp bảo vệ tốt sức khỏe.
1. Bệnh rối loạn kinh nguyệt là gì?
Bệnh rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng kinh nguyệt diễn ra không đều, kèm theo những bất thường xuất hiện khi hành kinh như: màu sắc và lượng máu kinh thay đổi, thống kinh (đau bụng dữ dội khi hành kinh)…
Bệnh rối loạn kinh nguyệt thường bao gồm nhiều hiện tượng khác nhau như: kinh nguyệt đến muộn, rong kinh, bế kinh, vô kinh…
Đây là hiện tượng thường gặp ở nữ giới, nhất là những bạn gái vừa bước vào tuổi dậy thì. Hiện tượng này kéo dài có thể đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cũng như thiên chức làm mẹ của chị em phụ nữ.
2. Nguyên nhân
Dậy thì và trước khi mãn kinh
Vào thời điểm dậy thì và trước khi mãn kinh, kinh nguyệt của nữ giới thường không đều. Khi vừa dậy thì, nội tiết tố nữ trong cơ thể mới được giải phóng và cơ thể cần có thời gian để thích ứng.
Phải mất khoảng từ 1 đến 2 năm để chu kỳ kinh nguyệt hoạt động ổn định. Với những chị em bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, lượng hormone trong cơ thể dần suy giảm khiến chu kỳ kinh nguyệt thay đổi thất thường.
Do mắc các bệnh lý phụ khoa
Các bệnh lý như: buồng trứng đa nang, u nang buồng trứng… có thể gây mất cân bằng hormone estrogen. Trong khi đó, hormone estrogen có mối quan hệ mật thiết với quá trình điều hòa kinh nguyệt ở nữ giới.
Vì thế, những chị em mắc phải các bệnh kể trên rất dễ bị rối loạn kinh nguyệt.
Mất cân bằng nội tiết tố nữ
Nội tiết tố nữ bao gồm estrogen và progesterone, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt.
Cơ chế tiết ra các hormone này rất phức tạp, và có liên quan đến hoạt động của 3 cơ quan: vùng dưới đối, tuyến yên, buồng trứng.
Chỉ cần một trong 3 cơ quan này gặp vấn đề đều có thể gây mất cân bằng nội tiết tố. Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân khiến kinh nguyệt của các chị em diễn ra không đều.
Stress, căng thẳng quá mức
Khi bị stress, tâm lý căng thẳng trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể tiết ra hormone cortisol. Loại hormone này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất estrogen và progesterone.
Từ đó gây mất cân bằng nột tiết tố, dẫn đến bệnh rối loạn kinh nguyệt.
Chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý
Khi các chị em ăn uống thất thường, thiếu chất dinh dưỡng, uống ít nước… sẽ cản trở cơ thể tiết ra hormone estrogen. Điều này có thể gây bệnh rối loạn kinh nguyệt, cụ thể là lượng máu kinh ra ít đi hay thậm chí là mất kinh.
Vận động quá sức
Rèn luyện cơ thể là việc làm tốt, nhưng chỉ nên tập luyện những môn thể thao phù hợp với thể chất của mình.
Nếu vận động và tập luyện thể thao quá sức sẽ gây tiêu hao năng lượng và sụt cân nhanh chóng, cũng như ảnh hưởng đến hoạt động điều hòa kinh nguyệt của não bộ.
Tác dụng phụ của thuốc
Sử dụng thuốc kháng sinh dài ngày, thuốc ngừa thai hoặc một số loại thuốc điều trị bệnh khác cũng có thể gây nên các tác dụng phụ như chậm kinh, mất kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều…
3. Dấu hiệu nhận biết bệnh
Màu sắc da thay đổi
Kinh nguyệt không đều thường đi cùng với tình trạng rối loạn nội tiết tố, nên khi đó cơ thể nữ giới sẽ có nhiều thay đổi khiến da xanh xao, xám xịt, xuất hiện nhiều vết nám và rạn da.
Số ngày hành kinh và lượng máu kinh bất thường
Bình thường số ngày hành kinh là khoảng 3 – 5 ngày, lượng máu kinh từ 40 – 80ml. Nếu số ngày hành kinh kéo dài và lượng máu kinh ra nhiều, thấm ướt băng vệ sinh chỉ sau 1 giờ thì có thể là dấu hiệu của hiện tượng rong kinh.
Ngược lại, nếu lượng máu kinh ra ít, chỉ dính một chút trên băng vệ sinh hàng ngày, lượng máu kinh trong cả chu kỳ kinh nguyệt chỉ hơn 20ml thì có bạn đang gặp phải tình trạng kinh nguyệt ra ít.
Đau bụng dữ dội khi hành kinh
Hầu hết nữ giới mắc bệnh đều bị đau bụng dữ dội trong thời gian hành kinh. Những cơn đau thường kéo dài khiến các chị em xanh xao, mệt mỏi, mất sức… gây ảnh hưởng đến công việc hàng ngày của các chị em.
Máu kinh có sự thay đổi
Bình thường máu kinh có màu đỏ thẫm, hơi nhầy và hơi tanh. Nếu máu kinh trở nên sẫm màu hơn, thậm chí chuyển sang màu đen và có lẫn máu cục, có mùi hôi khó chịu… thì khả năng bạn mắc bệnh rối loạn kinh nguyệt là rất lớn.
Kinh nguyệt đến sớm
Ngày hành kinh của các chị em đột ngột đến sớm hơn 7 ngày, 1 tháng có kinh 2 lần… đều là những biểu hiện bất thường, chứng tỏ bạn bị rối loạn kinh nguyệt, cụ thể là kinh nguyệt đến sớm.
Kinh nguyệt đến muộn
Kinh nguyệt của các chị em đến chậm khoảng 7 ngày so với chu kỳ kinh trước thì rất có thể bạn bị chậm kinh. Đây là một biểu hiện phổ biến của bệnh, thường gặp khi các chị em dùng thuốc kháng sinh kéo dài…
Mất kinh
Mất kinh được chia thành 2 dạng là mất kinh nguyên phát và thứ phát, những trường hợp mất kinh nguyên phát là từ lúc dậy thì đến tuổi trưởng thành không hề có kinh.
Mất kinh thứ phát là tình trạng chị em phụ nữ vẫn hành kinh khi đến tuổi dậy thì, nhưng sau đó vì một vài nguyên nhân như:
Rối loạn nội tiết tố, mắc bệnh viêm phụ khoa, gặp tác dụng phụ khi dùng thuốc tránh thai… mà kinh nguyệt không xuất hiện nữa.
4. Phương pháp điều trị bệnh
Điều trị bệnh bằng phương pháp Đông Y
- Bài thuốc 1
Chuẩn bị: Hoàng kỳ 20g, đương quy 15g, kê huyết đằng 12g, 2 quả trứng gà, một lượng đường đỏ vừa đủ.
Cách thực hiện: Cho tất cả các vị thuốc trên vào nồi, đổ ngập nước và nấu đến khi trứng chín. Bỏ bã thuốc và bóc bỏ vỏ trứng, thêm đường đỏ vào đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 10 phút.
Ăn trứng và uống nước thuốc (chia thành 2 lần/ ngày).
Tác dụng: Điều hòa kinh nguyệt, bổ khí huyết. Thường được sử dụng cho các trường hợp cơ thể phát dục chưa hoàn thiện, kinh nguyệt không đều, lượng huyết ít, đau bụng kinh, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ…
- Bài thuốc 2
Chuẩn bị: Ích mẫu thảo 30g, hương phụ (củ gấu) 20g, trần bì 10g, trứng gà 2 quả, một lượng đường đỏ vừa đủ.
Cách thực hiện: Cho các vị thuốc trên và trứng gà vào nồi, đổ ngập nước và đun đến khi trứng chín. Sau đó bóc bỏ vỏ trứng, lọc bỏ bã thuốc, thêm đường đỏ và đun nhỏ lửa trong vòng 10 phút.
Uống thuốc và ăn trứng, chia thành 2 lần/ ngày.
Tác dụng: Thanh can, giải uất, hoạt huyết. Dùng cho những trường hợp rối loạn kinh nguyệt do can uất, kỳ kinh không có quy luật, trướng bụng trước và trong khi hành kinh, sắc huyết tối…
- Bài thuốc 3
Chuẩn bị và thực hiện: Ích mẫu thảo 30g, hồng hoa 5g, sơn tra 15g, 2 quả trứng gà, đường đỏ vừa đủ. Sắc thuốc, uống thuốc tương tự như bài thuốc 1 và 2.
Tác dụng: Hóa ứ, giải uất, hoạt huyết. Thường được dùng cho các trường hợp kinh nguyệt bất thường do can uất, huyết ứ, hành kinh không theo quy luật, máu kinh vón cục…
- Bài thuốc 4
Chuẩn bị và thực hiện: Gừng tươi 15g, ngải cứu 10g, quế chi 10g, trứng gà 2 quả, một lượng đường đỏ vừa đủ. Sắc và uống tương tự như 3 bài thuốc trên.
Tác dụng: Ôn kinh, tán hàn; thích hợp dùng trong những trường hợp kinh nguyệt bất thường do ngưng trệ khí huyết vì bị ướt nước mưa, cảm lạnh trước hoặc trong khi hành kinh.
Điều trị bằng phương pháp Nam Y
- Chữa rối bệnh rối loạn kinh nguyệt bằng nước ép mùi tây
Công dụng: Mùi tây là một trong những loại thực phẩm có công dụng rất tốt trong việc hỗ trợ điều trị kinh nguyệt không đều.
Cách thực hiện: Rất đơn giản, bạn chỉ cần lấy một lượng mùi tây vừa đủ, rửa sạch, ép lấy nước. Hàng ngày, chị em phụ nữ chỉ cần uống khoảng 75ml nước ép mùi tây và kiên trì trong thời gian dài thì chu kỳ kinh nguyệt sẽ dần ổn định.
- Chữa bệnh rối loạn kinh nguyệt bằng gừng
Công dụng: Làm ấm cơ thể, giảm đau bụng cũng như một số vấn đề thường gặp trong thời gian hành kinh, giúp cơ thể cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
Cách thực hiện: Gừng tươi rửa sạch, đập dập hoặc thái nhuyễn, đun hay ngâm với nước sôi. Uống khi nước gừng còn ấm, uống ngày 3 lần.
- Chữa bệnh rối loạn kinh nguyệt bằng củ cải đường
Công dụng: Nước ép củ cải đường có thể giúp giảm thiểu hiện tượng kinh nguyệt không đều và các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
Cách thực hiện: Củ cải đường rửa sạch, ép lấy nước, uống ngày 2 lần. Kiên trì trong thời gian dài kinh nguyệt sẽ dần ổn định lại.
- Chữa bệnh rối loạn kinh nguyệt bằng hạt rau mùi
Công dụng: Hạt rau mùi có tác dụng cầm máu, điều hòa kinh nguyệt. Do đó nó rất thích hợp với những trường hợp rong kinh, máu kinh ra nhiều…
Cách thực hiện: Lấy khoảng 6g hạt rau mùi mang đi đun sôi với 500ml nước, đun đến khi nước còn khoảng 1 bát thì ngừng lại, sau đó đổ ra cốc và uống.
Kiên trì uống nước hạt rau mùi hàng ngày bạn sẽ nhận thấy hiệu quả đáng kể đấy.
5. Cách phòng ngừa bệnh
Rối loạn kinh nguyệt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và thiên chức làm mẹ của nữ giới. Vì thế, để tránh mắc phải bệnh rối loạn kinh nguyệt và bảo vệ sức khỏe nói chung, các chị em cần lưu ý những điều sau đây:
Vệ sinh thân thể đúng cách
Phải giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ và thực hiện vệ sinh vùng kín đúng cách. Cụ thể là vệ sinh vùng kín hàng ngày, sau khi tiểu tiện, trước và sau khi quan hệ tình dục.
Đồng thời nên vệ sinh theo hướng từ trước ra sau để tránh vi khuẩn đi từ hậu môn sang âm đạo gây viêm nhiễm đường sinh dục – một trong những nguyên nhân gây bệnh rối loạn kinh nguyệt.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học
Ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm giàu vitamin B như thịt bò, cá, trứng, sữa… Hạn chế ăn những món ăn chứa nhiều chất béo, các loại đồ uống chứa chất kích thích (cà phê, bia, rượu…)
Luyện tập thể dục thể thao vừa sức
Luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Các chị em nên lựa chọn những môn thể thao nhẹ nhàng và phù hợp với thể chất của mình như: đi bộ, yoga, bơi lội, cầu lông…
Tránh stress và căng thẳng
Giảm stress và áp lực công việc bằng cách thư giãn, nghỉ ngơi, vui chơi hay du lịch… để lấy lại sự cân bằng của cơ thể, tránh tình trạng mất cân bằng nội tiết tố dẫn đến kinh nguyệt không đều.
Hy vọng, qua bài viết trên sẽ giúp nữ giới nắm được những kiến thức cơ bản về bệnh rối loạn kinh nguyệt, từ đó có hướng phòng tránh cũng như kịp thời phát hiện và điều trị bệnh. Chúc các bạn có một sức khỏe tốt.
Lưu ý: Nội dung bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo và cung cấp phần nào kiến thức về bệnh rối loạn kinh nguyệt.
Chính vì thế, khi nhận thấy kinh nguyệt không đều các chị em hãy đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám, xác định tình trạng sức khỏe và có hướng điều trị thích hợp, hiệu quả.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nên áp dụng khi không có sự hướng dẫn và sử dụng từ bác sĩ.