Trong tất cả các biện pháp tránh thai, đặt vòng tránh thai được đánh giá là an toàn và cho hiệu quả tránh thai cao. Tuy nhiên trước khi chọn cho mình 1 biện pháp tránh thai phù hợp, hãy tìm hiểu kỹ về những mặt lợi, hại của vòng tránh thai.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho các bạn những thông tin tham khảo về phương pháp đặt vòng tránh thai
1. Khái niệm về phương pháp đặt vòng tránh thai
Đặt vòng tránh thai là một phương pháp tránh thai hiệu quả, có tác dụng ngăn không cho tinh trùng gặp trứng cũng như ngăn trứng làm tổ trong tử cung để phát triển thành bào thai, nhưng không ảnh hưởng tới quá trình giao hợp.
Khi đưa vào buồng tử cung của người phụ nữ, nó tạo một phản ứng viêm, vì vòng tránh thai là vật lạ gây ra những thay đổi về sinh hóa và tế bào của nội mạc tử cung, tạo sự tiết dịch làm cho lượng prostaglandin tăng lên.
Bạch cầu đa nhân xuất hiện tại nội mạc tử cung, tiếp theo là các tế bào cầu đơn nhân, đại thực bào. Do đó tinh trùng không thể xuất hiện ở buồng tử cung, đồng thời phản ứng viêm tại nội mạc tử cung sẽ không thuận lợi cho trứng thụ tinh làm tổ.
Trên vòng tránh thai có thuốc như vòng chữ T đồng có hàm lượng đồng, hay progesterone, ngăn hấp thụ estrogen của nội mạc tử cung, thay đổi chất nhày cổ tử cung, ảnh hưởng tới sự di động và sống sót của tinh trùng.
2. Lợi ích của việc đặt vòng tránh thai
- Cho hiệu quả tránh thai 98 – 99%
- Có hiệu quả tránh thai ngay lập tức và lâu dài khoảng 5 năm
- Bền, thoải mái và dễ sử dụng
- Ít tốn kém
3. Thời điểm nên đặt vòng tránh thai
- Phù hợp ngay sau khi sạch kinh ngày thứ nhất và chưa có quan hệ tình dục. Khi này, cổ tử cung hơi hé mở nên khi đặt sẽ dễ dàng và đỡ đau hơn, máu cũng sẽ ra ít hơn.
- Những phụ nữ sau sinh nên đặt vòng sau khi có kinh nguyệt lần đầu tiên. Hoặc sau sinh 6 tuần, và với điều kiện trong thời gian đó người phụ nữ chưa có quan hệ tình dục trở lại.
- Đối với phụ nữ sinh mổ, phải sau 3 tháng trở lên và phải chờ sau khi có chu kỳ kinh đầu tiên sau mổ đẻ mới nên đi đặt vòng. Lúc đó, tử cung đã lành hẳn, các sợi chỉ khâu đã tiêu.
- Đốii với những phụ nữ sau khi hút thai, sau khi uống thuốc bỏ thai, sau khi sảy thai nên chờ đợi vào chu kì kinh đầu tiên rồi sẽ đặt vòng tránh thai, vì đã xác định được trong buồng tử cung đã sạch và chu kì kinh của người phụ nữ đã trở về bình thường.
4. Kỹ thuật đặt vòng tránh thai
Phải khám phụ khoa trước khi đặt vòng để loại trừ các bệnh phụ khoa và khả năng thụ có thai. Khi đặt, bác sỹ sẽ xác định vị trí tử cung bằng thước đo buồng tử cung chuyên dùng. Sau khi đã xác định chiều dài buồng tử cung, bác sỹ sẽ đưa nhẹ vòng tránh thai qua cổ rồi đến định vị tại buồng cổ tử cung.
Trên mỗi vòng đều có chất đồng và có 2 sợi dây cước ở chân vòng, sợi dây này giúp xác định vòng còn định vị đúng.
Sau khi đặt vòng vào buồng tử cung xong, phần dây cước nằm trong âm đạo, bác sĩ sẽ cắt bớt sợi dây, nhằm tránh vướng và bất tiện trong giao hợp, phần còn lại của sợi dây chỉ 3 – 4 cm, sẽ được định vị cùng đồ sau trong âm đạo.
Thao tác đơn giản, nhẹ nhành và không gây cảm giác đau cho người đặt. Kĩ thuật thực hiện tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản, đảm bảo sự vô trùng nghiêm ngặt.
5. Những lưu ý sau khi đặt vòng
- Để an toàn, sau khi đặt vòng chúng ta cần thực hiện nghiêm ngặt theo sự chỉ dẫn của bác sỹ. Ngay sau khi đặt vòng người phụ nữ cần nằm nghỉ 5-10 phút, theo dõi xem có phản ứng gì với vòng không.
- Cần uống thuốc kháng sinh dầy đủ theo chỉ dẫn của bác sỹ để chống nhiễm trùng và uống thuốc giảm đau chống co thắt, trong vòng từ 5-7 ngày.
- Trong tuần đầu tiên mới đặt vòng, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi tại giường để cho vòng tránh thai từ từ được định vị ổn định trong buồng tử cung. Tuyệt đối không nên đi lại nhiều, không nên lên xuống cầu thang thường xuyên, và không nên mang vác nặng.
- Thông thường, sau khi đặt vòng tránh thai, chúng ta sẽ có cảm giác đau bụng nhẹ, ra huyết âm đạo trong mấy ngày đầu. Sau khoảng 2 – 4 tuần, cần đến gặp bác sỹ để được thăm khám lại. Bác sỹ sẽ siêu âm lại và xác định vị trí trong lòng tử cung. Đồng sau 3-6 tháng sẽ phải đến khám lần nữa
Sau khi lấy vòng ra, thì vợ chồng lại có thể có thai một cách dễ dàng, không có bất cứ ảnh hưởng gì. Vì vậy, khi dùng phương pháp này cả hai vợ chồng đều yên tâm, không phải thực hiện một biện pháp tránh thai nào nữa.
6. Những phụ nữ lưu ý không nên đặt vòng tránh thai
- Những người đang bị viêm nhiễm đường sinh dục đặc biệt là viêm lộ tuyến cổ tử cung chưa điều trị khỏi.
- Những người đang mắc các bệnh lây qua đường tình dục.
- Người có tiền sử bị thai ngoài tử cung, bệnh liên quan đến đường sinh dục, rong kinh, rong huyết chưa rõ nguyên nhân, tử cung bị dị dạng như tử cung đôi, tử cung hai sừng.
- Phụ nữ có thai hoặc nghi ngờ có thai, bệnh lý van tim, sa sinh dục, người có mẫn cảm với chất đồng.
7. Tác dụng phụ do vòng tránh thai gây ra
Bên cạnh những ưu điểm tránh thai thì vòng tránh thai cũng có những hạn chế như:
Ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt
Khi đặt vòng, phụ nữ thường phải đối diện với chu kỳ kinh nguyệt không đều, chu kỳ kéo dài và ra nhiều máu hơn. Đi kèm đó là những cơn đau bụng kinh.
Chất dịch trắng tăng nhiều
Vòng tránh thai có thể gây nên chứng viêm không có vi khuẩn, làm cho chất dịch trắng tăng lên nhiều. Khi cần thiết, có thể điều trị bằng thuốc tiêu viêm.
Có thể gây thủng mô dạ con
Trong quá trình đưa vòng vào cổ tử cung, nếu làm sai thủ thuật có thể dẫn đến thủng mô tử cung, gây chảy máu và các biến chứng nguy hiểm khác. Vì vậy khi đặt vòng tránh thai, nếu xuất hiện những bất thường cần thông báo ngay cho các bác sĩ để xử lý kịp thời, tránh những biến chứng ảnh hưởng khả năng sinh sản sau này.
Sự cố vòng có thể bị tuột ra ngoài
Với những phụ nữ vừa mới sinh, nếu đặt vòng ngay có thể xảy ra hiện tượng vòng bị đẩy ra ngoài. Nguyên nhân là do sau sinh tử cung của người phụ nữ đang co bóp mạnh để phục hồi lại trạng thái ban đầu và hoạt động co bóp sẽ khiến vòng tránh thai bị tác động, bị đẩy lùi ra ngoài. Vì vậy cần chọn đúng thời điểm để đặt vòng
Làm rối loạn nội tiết tố
Vòng tránh thai có thể làm bạn bị rối loạn nội tiết tố dẫn đến hiện tượng buồn nôn, đau đầu, mọc nhiều mụn, đau tức ngực và thay đổi tâm trạng bất thường trong liên tục nhiều ngày.
Những phản ứng tổng hợp ở tâm não khi đặt vòng tránh thai
Trong khi đặt vòng tránh thai, do tinh thần căng thẳng hoặc kích thích ở chỗ đặt vòng quá mạnh, có thể xuất hiện phản ứng tổng hợp ở tâm não.
Triệu chứng này có biểu hiện là: sắc mặt nhợt nhạt, đầu choáng váng, tức ngực, buồn nôn, mồ hôi nhiều, huyết áp hạ, tim đập chậm, nhịp đập rối loạn và hàng loạt những biểu hiện của thần kinh mê tẩu lên quá cao.
Có thể gây u nang buồng trứng
Vòng tránh thai chứa nội tiết tố giống như progestrone sau sinh, do đó có thể gây u nang buồng trứng. Tuy nhiên dạng này không phát triển thành ung thư mà sẽ tự mất đi.
Có thể có thai ngoài ý muốn
Một số trường hợp khi đặt vòng tránh thai vẫn có thai ngoài ý muốn. Nguyên nhân có thể là do trước khi đặt vòng các cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục đúng vào chu kỳ trứng rụng.
Do vậy lúc này tinh trùng đã gặp trứng và thụ tinh trong đó nên sau khi đặt vòng vẫn xảy ra hiện tượng có thai. Ngoài ra một số trường hợp vòng tránh thai gặp sự cố nên vẫn có thể thụ thai.
Có thai ngoài tử cung
Một số khác khi đặt vòng tránh thai những vẫn có thai ngoài tử cung. Tuy nhiên tỷ lệ này không đáng kể.
7. Cách xử trí các tác dụng ngoài ý muốn
Đau bụng dưới
Triệu chứng này sẽ giảm khi dùng thuốc giảm đau chống co thắt. Trong trường hợp đau nhiều do vòng cỡ quá to, đặt không đúng vị trí, nhiễm trùng. Cần phải đến cơ sở y tế để xác định để xử trí thích hợp và để bác sỹ đặt lại.
Ra huyết âm đạo kéo dài
Thông thường sau khi đặt vòng tránh thai khoảng từ 5 – 7 ngày là hết ra huyết âm đạo. Trường hợp kéo dài trên 1 tuần, tức là bị tác dụng phụ thì cần đi đến bệnh việm tái để bác sĩ kiểm tra vị trí vòng và cho thuốc để xử lý. Sau 2 tuần tình trạng ra huyết nhiều nên tháo vòng và áp dụng phương pháp ngừa thai khác.
Viêm nhiễm đường sinh dục
Sau khi đặt có biểu hiện đau vùng hạ vị, sốt và ra huyết âm đạo hôi. Lúc này, cần gặp bác sỹ để tái khám và dùng thuốc kháng sinh liều cao và tháo vòng theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Một số biến chứng khác
Có thể gặp một số sự cố như vòng rơi vào ổ bụng, đặt vòng vẫn có thể có thai ngoài tử cung nhưng tỉ lệ rất thấp.
Đặt vòng tránh thai là một trong những phương pháp được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Đặc biệt là những phụ nữ có ít quỹ thời gian chăm sóc bản thân, những người ngại uống thuốc hay quên uống thuốc thì biện pháp đặt vòng tránh thai là sự lựa chọn phù hợp nhất. Hy vọng những thông tin trên sẽ bổ ích với các bạn. Tuy nhiên, đây chỉ là thông tin tham khảo, hãy đến bác sỹ để được chỉ dẫn cụ thể
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nên áp dụng khi không có sự hướng dẫn và sử dụng từ bác sĩ.