Bệnh viêm xoang là một bệnh viêm đường hô hấp trên phổ biến ở nước ta. Khoảng 15% dân số bị bệnh viêm xoang. Ngày nay, do môi trường đang bị ô nhiễm nặng nề, khói bụi, hóa chất độc hại đang nhiều lên. Do đó, tỷ lệ người bị mắc bệnh này tăng lên đáng kể.
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức về bệnh viêm xoang để bạn có thể dễ dàng phòng tránh cho bản thân và gia đình.
1. Bệnh viêm xoang là gì?
Trước khi tìm hiểu về bệnh viêm xoang, bạn cần phải hiểu được xoang là gì. Xoang là những hốc xương rỗng nằm trong khối xương sọ mặt, ở xung quanh mũi và thông với hốc mũi. Các xoang có chức năng làm nhẹ khối xương sọ, làm ấm, làm ẩm và lọc không khí đi vào khoang mũi.
Các xoang đều có đường thông vào hốc mũi. Khi lỗ thông mũi không bị nghẽn là lúc xoang đang trong trạng thái ổn định, bình thường.
Bệnh viêm xoang là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc lót ở trong xoang, gây tắc lỗ thông xoang, nhất là những xoang nhỏ như xoang sàng. Bệnh viêm xoang chia ra làm hai loại chính. Một là bệnh viêm xoang cấp. Đây là tình trạng viêm xoang trong một thời gian ngắn, thường đáp ứng tốt với kháng sinh và thuốc chống viêm.
Nếu điều trị và chăm sóc tốt bệnh viêm xoang cấp có thể được chữa khỏi. Hai là bệnh viêm xoang mãn tính. Đây là loại viêm xoang cấp không được điều trị khỏi ít nhất 4 đợt viêm xoang cấp, tái phát gây tắc lỗ thông xoang, biến đổi chức năng thông khí, các xoang chứa dịch hay mủ.
Để điều trị bệnh viêm xoang mãn tính cần điều trị bằng thuốc kết hợp với thủ thuật. Nếu không thể điều trị bằng nội khoa thì cần được chỉ định phẫu thuật.
2. Nguyên nhân bị bệnh viêm xoang
Bệnh xoang là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến và rất dễ phát sinh. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm xoang. Sau đó, chúng tôi xin kể ra một số nguyên nhân chính, thường gặp:
Do ô nhiễm môi trường
Ô nhiễm môi trường, bụi, khói bếp, thuốc lá, khu vực ao hồ bị ô nhiễm, không được vệ sinh. Đây là môi trường chứa nhiều vi khuẩn, nếu những vi khuẩn này tiếp xúc nhiều trong mũi sẽ gây ra viêm mũi sau đó trở thành viêm xoang.
Do cơ địa dị ứng
Sử dụng các loại hóa chất cũng như thức ăn biến chất lâu ngày sẽ khiến niêm mạc mũi phù nề, gây bí tắc lỗ thông xoang, từ đó gây nhiễm trùng và viêm xoang.
Sức đề kháng kém
Cơ thể thiếu sức đề kháng để chống lại vi khuẩn, làm suy giảm miễn dịch, suy yếu niêm mạc đường hô hấp, gây rối loạn hệ thần kinh thực vật. Khi đó, bệnh viêm xoang còn đi kèm với nhiều bệnh viêm ở một số bộ phận khác.
Vệ sinh kém
Không rửa tay thường xuyên, không rửa mặt, vệ sinh cá nhân đầy đủ, vi khuẩn xâm nhập vào mũi, gây viêm mũi, nặng hơn là gây viêm xoang. Thay đổi về nhiệt độ hay áp suất không khí khi đi máy bay hoặc lặn dưới biển cũng gây nên bệnh viêm xoang.
3. Triệu chứng của bệnh viêm xoang
Viêm xoang phải được phát hiện và chữa trị kịp thời trước khi để lại những biến chứng mãn tính. Sau đây, chúng tôi xin đưa ra một số triệu chứng để các bạn có thể nhận biết bệnh viêm xoang.
Đau và nghẹt mũi
Đây là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh viêm xoang. Tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm mà vị trí đau thay đổi như đau vùng trán, đau vùng má hay hàm trên, đau sau hốc mắt, đau đỉnh đầu.
Cơn đau tăng khi bệnh nhân nghiêng người về phía trước.. Một số triêu chứng đi kèm là sốt, đau nhức khắp người, mệt mỏi, đau răng, ngủ không yên giấc. Nếu người bệnh thấy đau khi bị ấn vào các điểm xoang, nhiều khả năng đã bị mắc viêm xoang.
Nghẹt mũi
Bệnh nhân hay bị nghẹt mũi, chất tiết ở mũi trở nên đặc và đục, ho vì nước mũi chảy xuống họng gây ngứa. Tùy theo tình trạng bệnh mà nghẹt một bên mũi hoặc nghẹt cả hai bên mũi, nghẹt từng thời điểm hay liên tục, đôi khi gặp phải tình trạng mất khứu giác. Ngủ trong phòng máy lạnh, dưới quạt gây nghẹt mũi tăng lên.
Viêm tai giữa tắc vòi nhĩ
Gây đau tai, nặng có thể gây viêm tai giữa thanh dịch, màng nhĩ lõm, khi đi máy bay hay bị đau tai.
Đau rát cổ
Dịch chảy xuống họng gây đau rát cổ, dễ nhầm với viêm amidan.
Ho
Do dịch xoang chảy xuống họng gây ho, đây là phản xạ nhằm đẩy dịch không chảy vào thanh khí quản.
Khạc đờm
Do dịch chảy từ xoang xuống họng nên người bệnh phải khạc, khịt mũi thường xuyên hay hắng giọng.
Viêm phế quản, viêm phổi
Trẻ nhỏ do nuốt phải chất dịch tiết từ xoang với VA, amidan, thường gây viêm phế quản tái diễn, viêm dạ dày, ho từng cơn.
4. Các biến chứng của bệnh viêm xoang
Nhiều người chủ quan cho rằng viêm xoang là một bệnh thông thường nên không tập trung điều trị dứt điểm. Điều này, có thể dẫn tới một số biến chứng nặng hơn của bệnh viêm xoang. Một số biến chứng nặng còn có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân.
Các biến chứng tùy thuộc vào từng lứa tuổi, từng cơ địa và vị trí bị viêm nhiễm. Trường hợp viêm xoang do nấm ít bị biến chứng.
Biến chứng ở mắt
Những biến chứng ở mắt rất dễ xảy ra, các biến chứng ở mắt gồm viêm dây thần kinh giác mạc làm giảm thị lực, viêm mô liên kết quanh hốc mắt, áp-xe mi mắt, áp-xe tuyến lệ.
Viêm họng mãn tính
Bệnh nhân thường đau buốt họng, nuốt vướng do mủ liên tục chảy từ xoang xuống cổ họng. Bên cạnh đó còn có các triệu chứng như đầy hơi, ợ hơi, thường bị chuẩn đoán nhầm thành đau dạ dày.
Viêm màng não
Có thể xuất hiện tự phát hoặc sau phẫu thuật gây đau đầu, mờ mắt, ù tai.
Áp-xe não, viêm não
Vỏ não có thể bị viêm vùng tiếp xúc với thương tổn màng não, thương tổn xương.
Viêm tắc tĩnh mạch hang
Triệu chứng bệnh xuất hiện ồ ạt, sốt cao, rét run, nhức đầu, cứng gáy. Màng tiếp hợp bị phù nề, đỏ bầm, nhãn cầu lồi ra phía trước, gai mắt nề. Bệnh thường lan nhanh đến hai mắt, trước khi có kháng sinh thì tỉ lệ tử vong rất cao.
Biến chứng xương
Nguyên nhân thường do viêm tắc mạch máu ở xương trán, sọ. Bệnh nhân đau nhức ở xương trán, hình thành ổ áp-xe. Quá trình viêm có thể lan rộng ra các xương nếu không được điều trị kịp thời.
5. Phương pháp điều trị bệnh viêm xoang
Muốn điều trị bệnh viêm xoang, bệnh nhân phải kiên trì dùng các loại thuốc đông y, nam y, tây y.
Phương pháp Tây y
- Dùng thuốc Tây y
Các loại thuốc chống nghẹt mũi dạng viên uống đem lại hiệu quả nhanh chóng nhưng lại đi kèm với nhiều tác dụng phụ như tăng huyết áp, tăng nhịp tim, nên cần dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Các thuốc dạng xịt tại chỗ gồm oxymetazoline hay phenylephrine, các thuốc chống dị ứng như kháng histamine, các thuốc giảm đau như aspirin hay acetaminophen, các loại thuốc kháng sinh khác.
Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý, những loại thuốc kể trên đều cần được bác sỹ chỉ định liều lượng. Bên cạnh đó, cần cảnh giác với một số loại thuốc tê hoặc dạng bột chữa viêm xoang không rõ nguồn gốc.
Vì các loại thuốc này có thể chứa corticosteroid, dùng lâu ngày sẽ để lại tác dụng phụ như tăng cân bất thường, tăng huyết áp, loãng xương, đái tháo đường, tăng nguy cơ nhiễm trùng, đục thủy tinh thể, chậm lành vết thương, bệnh nhân lệ thuộc vào thuốc.
- Phẫu thuật
Đôi khi phẫu thuật là phương pháp điều trị thay thế duy nhất để ngăn ngừa viêm xoang mãn tính, như nạo VA, cắt bỏ polyp mũi, chữa vẹo vách ngăn… Hiện nay, phương pháp điều trị viêm xoang phổ biến là phẫu thuật nội soi chức năng xoang, trong đó lối thông tự nhiên từ xoang được mở rộng cho phép dẫn lưu dịch tiết.
Các bài thuốc dân gian
- Cách thứ nhất:
giã nhỏ 1 củ gừng nhỏ và 2 củ hành, vắt lấy nước. Dùng bông tăm thấm dung dịch này lên mũi để khoảng 30 phút cho thông mũi, sau đó rửa lại mũi bằng nước muối 0.9%. Làm cách này liên tục mỗi ngày 2 lần trong 2 tuần.
- Cách thứ hai:
rửa mũi bằng nước mũi, lau khô, sau đó dùng bông nhúng vào dung dịch mật ong và tỏi. Ngày làm 3-4 lần trong vòng 7-9 ngày. Cũng có thể sử dụng nhiều cách điều trị khác như xông hơi bằng nước lá hương nhu, lá bưởi, hoặc dùng rượu tỏi ngâm khoảng 10 ngày nhỏ vào mũi.
6. Cách phòng ngừa bệnh viêm xoang
Dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn các bệnh lý viêm xoang cũng như các đợt cảm lạnh hoặc nhiễm khuẩn, nhưng chúng ta vẫn có thể áp dụng những biện pháp nhất định để giảm số lần, độ nặng cũng như ngăn ngừa viêm xoang cấp tính trở thành mãn tính. Sau đây là một số cách phòng ngừa bệnh viêm xoang:
- Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi thích hợp, chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và luyện tập thể dục, thể thao để duy trì sức đề kháng nhằm chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn.
- Giữ sạch môi trường sống xung quanh, tránh xa khói thuốc lá, thường xuyên đeo khẩu trang khi ra ngoài đường để tránh khói bụi, hóa chất và các chất ô nhiễm.
- Vệ sinh cơ thể, rửa tay thường xuyên. Tránh uống rượu, bia để tránh viêm xoang nặng hơn.
- Thường xuyên vệ sinh mũi khi bị cảm cúm và tiếp xúc với khí lạnh.
- Cần điều trị các tác nhân gây viêm xoang như cúm, sởi, polyp mũi, nạo VA, nạo vách ngăn mũi, tram – nhổ sâu răng.
- Uống nhiều nước để làm loãng chất tiết, dùng nước muối sinh lý rửa mũi và xông mũi bằng hơi nước nóng, đắp khăn nước ấm lên mặt cũng có thể làm dịu cơn đau.
- Không tự ý sử dụng các thuốc xịt thông mũi dài ngày mà không có chỉ định của bác sỹ.
Trên đây là một số thông tin cần biết về bệnh viêm xoang. Chúng tôi hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn và người thân dễ dàng phòng tránh và điều trị bệnh viêm xoang một cách hiệu quả.
Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không nên áp dụng khi không có sự hướng dẫn và sử dụng từ bác sĩ.